Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

RỬA SẠCH TÂM HỒN


RỬA SẠCH TÂM HỒN
Có câu chuyện về “cuốn sách và giỏ đựng than” có nội dung như thế này:
Tại một trang trại ở miền núi xa xôi, miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê và chưa một buổi sáng nào ông quên đọc sách. Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng mỗi ngày đều ngồi đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông:

- Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Hoặc là có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ?
Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và chỉ nói:

- Cháu ngoan, hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!
Cậu bé liền làm theo lời ông, dù rằng tất cả nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà. Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói:

- Nước chảy hết mất rồi! Có lẽ lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa!

Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước. Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông rằng:
 - Đựng nước vào cái giỏ là điều không thể.
Rồi cậu bé đi lấy một chiếc xô để múc nước. Nhưng ông cụ ngăn lại:

- Ông không muốn lấy một xô nước. Ông muốn lấy một giỏ nước cơ mà! Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố hết sức thôi!

Rồi ông lại bảo cháu ra sông lấy nước. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được, nhưng cậu muốn cho ông thấy rằng dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng.

Ông xem này - Cậu bé hụt hơi nói – Thật là vô ích!

Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư… – Ông cụ nói – Cháu thử nhìn cái giỏ xem!

Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.

- Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy!
_____________________
CHIA SẺ CHÚT SUY TƯ
RỬA SẠCH TÂM HỒN   
1. Đọc sách
Người đẹp trong sách.

Người xưa có câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”  (trong sách có cô gái đẹp như ngọc). Câu thơ trên rất phổ biến.
Nhiều người truy tìm nguồn gốc câu thơ, có kết luận rằng, câu thơ ấy từ câu thơ nguyên gốc là “Thư trung tự hữunhan như ngọc” (trong sáchtự có người con gái dung nhan đẹp như ngọc) trong một bài thơ nhằm khuyến khích việc học của người xưa, đặc biệt là việc “dùi mài kinh sử”. Vì rằng, có học đi thi đổ đạt làm quan, thì mới mau chóng được giàu sang phú quý, kẻ hầu người hạ, xe đưa ngựa đón… và nhất là có người vợ đẹp “như ngọc” như lòng mơ ước.
Danh vọng, bạc tiền, gái đẹp… là cũng từ việc “đèn sách” mà ra, nên có câu: "Thập niên song hạ vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri" (mười năm đọc sách bên cửa sổ chẳng người hỏi han, chỉ 1 khoa cử là thành danh thiên hạ đều biết đến). 
Câu thơ “Thư trung tự hữu nhan như ngọc”  xuất xứ từ 1 bài thơ của Tống Trân Tông Triệu Hằng, nguyên văn như sau:

富家不用买良田,Phú gia bất dụng mãi lương điền,
书中自有千锺粟; Thư trung tự hữu thiên chung túc;
安居不用架高楼,An cư bất dụng giá cao lâu,
书中自有黄金屋; Thư trung tự hữu hoàng kim ốc;
娶妻莫恨无良媒,Thú thê mạc hận vô lương môi,
书中自有颜如玉; Thư trung tự hữu nhan như ngọc;
出门莫恨无人随,Xuất môn mạc hận vô nhân tùy,
书中车马多如簇; Thư trung xa mã đa như thốc;
男儿欲遂平生志,Nam nhi dục toại bình sinh chí,
五经勤向窗前读。Ngũ kinh cần hướng song tiền đọc

Tạm dịch:

Nhà giàu chẳng phải mua ruộng tốt,
Trong sách tự có ngàn bồ thóc;
An cư chẳng phải xây nhà cao,
Trong sách tự có nhà lầu vàng;
Lấy vợ chẳng hận không người mối,
Trong sách tự có người như ngọc;
Ra đường chẳng hận không tùy tùng,
Trong sách xe ngựa nhiều vô khối;
Làm trai muốn thỏa chí tang bồng,
Bên cửa chuyên cần đọc ngũ kinh. 


(Từ INTERNET)


Nhưng, dù là “hữu nữ” hay “tự hữu”, vẫn gợi cho ta nhận ra một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là sức hấp dẫn, sự hữu ích của sách. Người đọc sách đi tìm cái đẹp trong sách, trong kinh thư, để nhờ đó, tâm hồn người đọc được thêm hiểu biết, ngày một thăng hoa, để thực hiện và đạt được cuộc sống hạnh phúc cao cả và bền vững.
Không phải tìm đến sách vở chỉ để được giàu có vật chất, mà trên hết, chính là sự giàu có tâm hồn.
2. Có phải văn hóa đọc đã “cuối mùa” ?
Chắc chưa đến nỗi “tàn canh gió lạnh” như tiếng thở dài của Tú Xương: “Cô hàng bán sách lim dim ngủ”, nhưng sự xuống dốc của “văn hóa đọc” - nhất là “đọc sách” - là điều không thể phủ nhận.
Thật đáng tiếc, ngày nay việc đọc sách đã giảm rất nhiều, nhất là giới trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là Internet, Game, Truyền hình tràn ngập phim ảnh, điện thoại di động… và muôn thứ cái gọi là “giải trí” hay những phương tiện “nghe nhìn” khác thu hẹp “sân chơi của kinh thư”, như rừng nguyên sinh bị thu hẹp dần trong thế giới hiện đại này.
Nhưng, trên hết, là hệ thống giáo dục hiện nay không tạo được nhịp cầu nối kết cho học sinh  - những thế hệ trẻ -  tìm tòi nghiên cứu những sách vở giúp đi sâu vào những kiến thức cần thiết, đặc biệt là vấn đề đạo đức.
Một bạn đã chia sẻ trên Internet:

Nay thì văn hoá đọc gần như bị triệt tiêu phần lớn. Cơ sở để đưa ra nhận xét này, trước hết là nhìn vào số lượng in, được ghi cụ thể ở trang bên dưới và sau cùng của quyển sách: nhiều nhất 2.000 bản, trung bình 1.000, còn loại 500 bản thì chiếm số đông. Sách tái bản hoạ hoằn lắm mới có vài cuốn mà ta quen gọi là best seller. Sao vậy nhỉ? Đâu còn khó khăn như cách đây trên 20 năm? Hay tại sách không hay, giá bìa cao so với thu nhập bình quân? Không phải! Chắc là có một nguyên nhân sâu xa nào đó mà ta chưa lý giải được, đến nỗi các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt gào lên rằng: “văn hoá đọc đã bị xoá sổ rồi”. Một lời than não nuột!
Cũng phải thôi. Cứ nhìn cách học sinh ngày nay học văn rồi làm văn thì thấy rõ ngay. Nhân vật Kiều của cụ Nguyễn Du được các sĩ tử bình như thế này: “Kiều là người phụ nữ có nhan sắc mặn mà, có đức tính chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam. Nàng đã thủ tiết thờ chồng. Sau khi Từ Hải bị giặc bắt đưa xuống tàu đày đi Côn Đảo, nàng ở vậy nuôi con…”, đúng là thế hệ bây giờ chẳng còn biết Kiều là ai, Nguyễn Du là ai qua lời tự thán tiền định của chính cụ “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Chưa đến 200 năm ngày cụ mất (1820) mà những người đang học cụ đã quên phéng nói chi đến 300 năm thì tác phẩm truyện Kiều sẽ được nhớ lan man thành truyện Vân Kiều, tên cụ sẽ là Nguyễn Văn Du hay thị Du gì gì nữa không chừng!

Điều này cũng chẳng trách các em, bởi có một giáo sư văn học hẳn hoi giải thích câu thơ của Thôi Hộ (trong sách văn học lớp 11, nxb Giáo Dục năm 1993): đào hoa y cựu tiếu đông phong = cánh hoa đào từ năm ngoái đã khô trên cành đến nay vẫn còn treo lủng lẳng, cười với gió đông!? (nguyên văn bài thơ: Khứ niên kim nhật thử môn trung/Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong). Chữ xưa, tích xưa mà giải thích như vậy thì nay, trách chi các em học sinh kêu Lão Tử = chết già, Tử Lộ = chết ngoài đường, Tử Cống = chết dưới cống dưới lù, Trang Tử = người chết thờ trên trang… cũng không sai. (http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/2012/01/03/tan-van).
3. Rửa sạch tâm hồn
Tất nhiên, ta đang nói đến những quyển sách tốt, những quyển sách có thể là “bạn ta”, hay hơn nữa, có thể là một trong những “quyển sách gối đầu giường”.
Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê và chưa một buổi sáng nào ông quên đọc sách (Cuốn sách và giỏ đựng than).
Sách giúp người đọc từng bước thăng hoa cuộc sống. Sách giúp đánh thức ta dậy, bừng tỉnh không còn mê ngủ, sách đưa ta vào thế giới nội tâm, ta có dịp đối diện với chính mình, học hỏi, lựa chọn, và định hướng cuộc sống.
Nền đạo đức xã hội ngày nay xuống cấp đến mức báo động.
Thầy trò đánh nhau ở chính trong lớp học, còn gì đâu là đạo lý “Cửa Khổng sân Trình”. 
Bác sĩ làm chết người ném xác nạn nhân xuống sông, còn gì đâu là y đức “Lương y như từ mẫu”. 
Con cái đánh lại cha mẹ, còn gì đâu là đạo hiếu “Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”. V.v…
Những sa sút ấy không phải bổng dưng mà đến, không phải đến một sớm một chiều, nó bị soi mòn từ từ bởi một dòng chảy của một nền giáo dục thiếu chiều sâu nhân bản mà những người có trách nhiệm, hoặc vì lơ là thiếu quan tâm, hoặc do tài năng kém cỏi,  hay là cái tâm thiếu lửa nhiệt tình, đã tạo nên.
Để nhìn thẳng vấn đề này, nó đòi hỏi một sự can đảm và một tâm hồn cao cả.
- Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy. (Cuốn sách và giỏ đựng than).
Ta có thể đọc thêm nơi đây những lời tương tự của vài nhà văn tên tuổi.
Những kiệt tác nghệ thuật được coi là vĩ đại, bởi vì nó cận nhân tìnhvà dễ hiểu đối với mọi người. (Les grandes oeuvres d’art ne sont grandes que parce qu’elles sont accesibles et compréhensibles à tous). L. TOLSTOI (E. Alpérine Kaminsky).
Khi quyển sách đọc nâng cao trí thức mình lên, làm cho mình phát sinhnhững tình cảm cao thượng và can đảm, thì bất tất phải tìm qui tắc sâu xa để phán đoán: nó là sách hay, sáng tác bởi một tay lão luyện.(Quand une lecture vous  élève l’esprit, et qu’elle vous inspire des sentiments nobles et courageux, ne cherchez pas une autre règle pour juger l’ouvrage: il est bon, et fait de main d’ouvrier). LA BRUYÈRE.
Đọc những sách hay như hầu chuyện với bậc đại quân tử đời trước đã sáng tác ra và cũng là cuộc nói chuyện nghiền ngẫm mà trong cuộc ấy, các ngài đã cho ta những tư tưởng kỳ diệu của các ngài. (La lecture de tous les bon livres est comme une conversation avec les plus honnêtes gens des siècles passés, qui en ont été des auteurs, et même une conversation étudiée en laquelle ils ne nous  découvrent que les meilleures de leurs pensées). DESCARTES.
Sách là ngọn đèn bất diệt của sự thông thái tích lũy lại (Books are the ever burning lamps of accumulated wisdom)G.W.CURTIS.
Có một số sách chỉ nên nếm qua, có một số sách nên nuốt, và có vài quyển nên nhai và tiêu hóa(Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested). BACON.
Sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn”(Cuốn sách và giỏ đựng than).
"Không phải tìm đến sách vở chỉ để được giàu có vật chất, mà trên hết, chính là sự giàu có tâm hồn" - Chúng ta cần nhấn mạnh nơi đây - Sự giàu có tâm hồn của con người là nền tảng cho một xã hội đạo đức.
Vì lúc nào những tư tưởng chân chính cũng luôn là ánh sáng xua tan bóng tối. Một tâm hồn tăm tối không thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực chỉ có đối với một tâm hồn luôn được gột rửa trong ánh sáng. Đó là cuộc hành trình đúng hướng và đúng ý nghĩa của đời người.
Cũng như Kinh Thánh là một quyển sách có khả năng “thay đổi bên trong tâm hồn” cho  tất cả những ai thành tâm thiện chí tiến bước trên con đường Chân-Thiện-Mỹ để  tìm về cội nguồn đích thực của đời người.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
 là ánh sáng chỉ đường con đi”.
 (KINH THÁNH - Tv 119, 105).


(Your word is a to my feet,
A light for my path).
MAI NHẬT THI
Mùa Chay 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét