Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Vũ điệu nguy hiểm của tàu Trung Quốc gần giàn khoan 981

"Như một con chó bị dây xích ngăn cản, tàu Trung Quốc cố sủa vào chúng tôi vài lần trước khi quay đầu", phóng viên CNN viết trong bài báo ngày 28/5.
Phóng viên Euan McKirdy của CNN và nhiều đồng nghiệp khác lên tàu công vụ Việt Nam tới vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, nơi ông gọi là vùng biển “nóng bỏng nhất thế giới”. McKirdy kể về hành trình của ông và các đồng nghiệp trong bài báo đăng ngày 28/5.
Nhập mô tả cho ảnh
Các tàu đấu vòi rồng ở vùng biển Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: CNN
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian chờ đợi trên đất liền và lênh đênh trên biển để tới vùng biển nóng. Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo thuận lợi cho chuyến đi của các nhà báo châu Á và Mỹ. Trong cuộc họp báo trước khi khởi hành, chúng tôi biết tin Bộ Ngoại giao Việt Nam không thông báo cho phía Trung Quốc về sự hiện diện của các nhà báo quốc tế. Tuy nhiên, một quan chức cảnh sát biển cho rằng rất có thể Trung Quốc biết sự có mặt của giới truyền thông.
Ngày 26/5, một tàu cảnh sát biển nhỏ đưa chúng tôi rời Đà Nẵng lúc mặt trời vừa khuất bóng, thẳng tiến về phía quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Hành động hạ đặt giàn khoan của Bắc Kinh gây ra phản ứng mạnh từ phía Việt Nam. Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp nhanh gọn và không đổ máu.
Theo phóng viên của CNN, ít nhất một bên đã tuân thủ những tuyên bố trên. Phóng viên McKirdy cho biết: “Sĩ quan Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển đưa chúng tôi tới vùng biển nóng, khẳng định: ‘Cảnh sát biển Việt Nam cam kết giải quyết tình hình một cách hòa bình’”.
Con tàu chở chúng tôi được trang bị một pháo 125 mm ở mũi và hai súng máy cỡ nòng 14,5 mm ở phía sau. Đây là loại tàu đảm trách mọi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Một số tàu còn trang bị các thùng nhựa lớn chứa 10 gallon (gần 40 lít) nước uống, một phòng bếp chất đầy rau xanh và những gà sống làm lương thực cho các chuyến đi dài ngày.
Nhập mô tả cho ảnh
Tàu công vụ Trung Quốc và Việt Nam lướt qua nhau trên biển. Góc cao phía bên tay phải bức hình là giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: CNN
Lần thứ hai ngắm mặt trời mọc giữa đại dương, con tàu vẫn chưa tới đích. Gần trưa, chúng tôi thay đổi phương tiện di chuyển giữa biển. Khi gần tới khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi chuyển sang tàu số hiệu 8003, con tàu lớn hơn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Chúng tôi tới vùng biển được đánh giá là giàu dầu mỏ mà Trung Quốc đơn phương cắm “cờ”. Lần này, “cờ” của phía Bắc Kinh là giàn khoan bán chìm, được tạo thành từ những khối kim loại khổng lồ. Thông qua giàn khoan này, Trung Quốc muốn lớn tiếng khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của họ.

Trung Quốc phát động 'cuộc chiến tiêu hao' bất bình đẳng

Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn trong thời gian tới nhằm đẩy Việt Nam vào thế không đủ tàu để đối phó với họ quanh giàn khoan Hải Dương 981.
Khi chúng tôi tới khu vực Trung Quốc từng hạ đặt giàn khoan thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNOOC), Bắc Kinh đã di dời nó. Thay đổi vị trí của khối kim loại khổng lồ, khó điều khiển là nhiệm vụ không nhỏ. Nó cũng ẩn chứa những âm mưu chính trị.
Chúng tôi được biết, Trung Quốc bắt đầu di dời giàn khoan trong sáng ngày 26/5 và hoàn tất quá trình này lúc 22h30 theo giờ địa phương, chỉ vài giờ sau khi tàu chở chúng tôi rời bến. Khi tới nơi, những chấm nhỏ phía đường chân trời hiện rõ hình là những con tàu. Chúng tôi nhận thấy đó là một đội tàu nhỏ, hay nói chính xác hơn là hai đội tàu riêng biệt của Việt Nam và Trung Quốc.
Nhập mô tả cho ảnh
Tàu Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: CNN
Mớ hỗn độn này là những chiếc tàu cá và tàu quân sự, còn duy trì hoạt động ở khu vực dù giàn khoan đã được di dời. Chúng dường như đang tập luyện một vũ điệu trên nền biển xanh mênh mông, trải dài như vô tận.
Đó là những giao tiếp sống động, xen kẽ giữa sự giận dữ và cương quyết, nhằm cảnh báo Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế. Những tiếng còi báo động chói tai liên tục vang lên, xé nát không khí của buổi chiều mùa hè yên bình và đầy nắng. Thuyền trưởng Hoàng cho biết: “Tôi nhiều lần làm nhiệm vụ trên biển nhưng thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường khiêu khích với Việt Nam. Tôi tự hào khi bảo vệ tổ quốc mình”.
Vũ điệu nguy hiểm trên biển được giám sát bởi đội tàu công vụ của hai nước, những người hiểu rõ hậu quả nếu họ đối đầu nhau. Những vũ điệu này vẫn diễn ra dù vài giờ trước đó, một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam. Không gây ra thiệt hại về người nhưng đây là lần đầu tiên một chiếc tàu đắm do va chạm kể từ thời điểm căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang.
Chiều tối, một trong những tàu cảnh sát biển cỡ lớn của Trung Quốc áp sát tàu của chúng tôi như thể muốn đẩy chúng tôi tới mép vực chiến tranh. Không ai trên tàu 8003 tỏ ra quá lo lắng dù mọi người đều mặc áo phao. Như một con chó bị sợi dây xích ngăn cản, tàu Trung Quốc cố gắng sủa vào chúng tôi một vài lần trước khi quay đầu.
Ở bên phía mạn phải, hai tàu khác của Trung Quốc đang quấy rối một tàu cá nhỏ hơn của Việt Nam. Những hành động này đẩy hai nước vào tình cảnh nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sẽ là quá muộn nếu các quốc gia chủ chốt trong khu vực để sức nặng bá quyền của Trung Quốc đè nén.
07:09 NGÀY 29/05/2014 (news.zing.vn)

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Việt - Trung lên án nhau vì vụ tàu chìm

Tàu Việt Nam và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau ở vị trí xung quanh giàn khoan HD-981
Việt Nam và Trung Quốc quy trách nhiệm cho nhau sau khi một tàu cá Việt Nam bị chìm ở khu vực gần giàn khoan HD-981.
Việt Nam nói một tàu cá của Đà Nẵng bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5 ở khu vực Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981, cách giàn khoan này 17 hải lý.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã hôm 27/5 nói rằng Việt Nam 'đã nhiều lần điều nhiều loại tàu khác nhau ̣(ra vùng biển có giàn khoan) với mục đích duy nhất là quấy nhiễu các công ty Trung Quốc đang khoan tìm dầu ở đó'.Ông Võ Văn Trác, phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, đã xác nhận với BBC có vụ việc này nhưng nói ông 'chưa rõ tọa độ'.

'40 vây 1'

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Huỳnh Ngọc Sơn được báo chí trong nước dẫn lời gọi hành động đâm tàu cá Việt Nam của phía Trung Quốc là 'hành động khủng bố' và 'mang tính dằn mặt ngư dân'.
Trong khi đó, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, tuyên bố Việt Nam chịu trách nhiệm vì "tiếp tục quấy phá hoạt động bình thường của Trung Quốc".
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Việt Nam ngừng ngay lập tức hoạt động quấy phá và gây hại," ông Tần nói.
Theo lực lượng tuần duyên Việt Nam, chiếc tàu cá này đã bị 40 tàu Trung Quốc bao vây trước khi nó bị tấn công. Tất cả 10 ngư dân trên tàu đều được cứu.
Tân Hoa Xã nói rằng Việt Nam 'đã nhiều lần điều nhiều loại tàu khác nhau ̣(ra vùng biển có giàn khoan) với mục đích duy nhất là quấy nhiễu các công ty Trung Quốc đang khoan tìm dầu ở đó'.
Bắc Kinh và Hà Nội đang dính vào tranh chấp ngày càng căng thẳng trên Biển Đông.
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc chủ quyền của họ ở gần Quần đảo Hoàng Sa mà hai nước hiện đang tranh chấp.
Việc Trung Quốc từ chối dời giàn khoan đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc khiến ít nhất hai người chết và một số xí nghiệp bị đốt cháy.
Các nhà lập pháp Việt Nam đang chuẩn bị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ giàn khoan và các vụ đâm tàu, theo truyền thông của nước này.

'Bảo vệ ngư dân'

Các tàu cá Việt Nam thường bị 'tàu lạ' đâm chìm khi đánh bắt trên Biển Đông
"Vì chưa biết tàu của họ có phải là tàu cá hay không nhưng đi bảo vệ giàn khoan và đâm chìm tàu cá của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam thì thấp nhất cũng có thể gọi là khủng bố," phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Huỳnh Ngọc Sơn được báo mạng VnExpress dẫn lời nói.
Đây dường như là tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một lãnh đạo Việt Nam nhằm vào Trung Quốc.
Ông Sơn cũng nói rằng Việt Nam sẽ lên án vụ việc này 'qua con đường ngoại giao' và sẽ yêu cầu Trung Quốc bồi thường.
Trả lời phỏng vấn BBC hôm 27/5, phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói cần tổ chức lại cách ra biển của ngư dân để một mặt có thể khẳng định chủ quyền mặt khác bảo vệ cho sự an toàn về nhân mạng và của cải.
Ông Võ Văn Trác nhận định vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng hôm 26/5 'có thể nói là rất nghiêm trọng'.
"Đây là sự xâm phạm thô bạo và trắng trợn của Trung Quốc. Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối và đề nghị các cơ quan của trung ương lên tiếng đề nghị Trung Quốc ngưng hành động này, bồi thường thiệt hại cho ngư dân, đồng thời hứa không để xảy ra những vụ việc tương tự nữa."
Trả lời câu hỏi của BBC về việc có nên khuyến khích ngư dân tiếp tục bám biển để khẳng định chủ quyền khi các biện pháp bảo vệ chưa được thực hiện hiệu quả hay không, ông Trác nói:
"Vùng biển đó là của Việt Nam. Việc ngư dân đi đánh cá ở đó là hoàn toàn hợp pháp. Việc Trung Quốc gây ra vụ việc vừa rồi trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất của người ngư dân. Chúng tôi sẽ tìm cách vận động ngư dân tiếp tục bám biển, sản xuất kinh doanh trên vùng biển của mình."
"Ngư dân ra biển cần phải theo đội hình chứ không đi lẻ tẻ đễ giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Ngoài ra còn có tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hỗ trợ cho ngư dân."
Võ Văn Trác, phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam
"Nhưng ra biển cần phải theo đội hình chứ không đi lẻ tẻ đễ giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Ngoài ra còn có tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hỗ trợ cho ngư dân."

'Việt Nam khuấy động'

Hôm thứ Hai ngày 26/5, Tân Hoa Xã đăng bài xã luận bằng tiếng Anh cáo buộc Việt Nam muốn ‘khuấy động và thổi bùng việc khoan bình thường của giàn khoan Hải Dương 981’.
“Hà Nội nên biết rằng việc khoan như vậy trong vùng biển này là quyền chủ quyền của Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển,” tác giả Dương Trạch Vỹ, một giáo sư luật, viết trong bài xã luận.
“Việt Nam nên ngừng lập tức bất kỳ hành động ngăn trở nào và phải nhận hậu quả tương ứng và trách nhiệm quốc tế cho sự khiêu khích của mình,” bài xã luận nhận định.
Nhật Bản đã kêu gọi bình tĩnh. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Yoshihide Suga được các hãng thông tấn dẫn lời nói: “Điều quan trọng là các nước có liên quan nên kiềm chế không có các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và các nước nên hành động điềm tĩnh tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Cập nhật: 08:31 GMT - thứ ba, 27 tháng 5, 2014

theo BBC

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam


 - Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nguyên tắc cơ bản: Xâm lược không thể mang lại chủ quyền lãnh thổ, trích phóng sự của VTV tối 25.5.


Trong bản tin 19 giờ ngày 25.5, Đài Truyền hình Việt Nam đã có một phóng sự chi tiết, cung cấp đầy đủ cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Theo đó, các văn kiện và tuyên bố của các hội nghị quốc tế liên quan tới Việt Nam: Tuyên bố Cairo tháng 11 năm 1943; Hội nghị Postdam tháng 7 năm 1945; Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951; Tuyên bố Hội nghị Geneva năm 1954… đều thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Dân Việt trân trọng giới thiệu phóng sự do VTV thực hiện với những thông tin và phân tích những bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
theo Dân Việt, 25/05/2014 

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Danh ca Khánh Ly đã về Việt Nam

Cập nhật: 08:06 GMT - thứ sáu, 2 tháng 5, 2014

Ca sỹ Khánh Ly sẽ biểu diễn một ̣đêm duy nhất ở Hà Nội hôm 9/5
Nữ ca sỹ Khánh Ly đã tới thăm mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở Thủ Đức trước khi được nói sẽ bay ra Hà Nội để thực hiện buổi biểu diễn hôm 9/5.
Các báo Việt Nam đăng nhiều hình ảnh về chuyến thăm chiều thứ Năm 1/5, khi nữ danh ca mặc áo dài tím tới thăm mộ phần của "người tri kỷ" tại Nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, TP HCM.
Trên tay Khánh Ly là một bó hoa hồng vàng và một chai rượu mà tương truyền lúc sinh thời vị nhạc sỹ tài năng ưa thích.
Báo VnExpress dẫn lời nữ ca sỹ nói: "Tôi chọn hoa hồng màu vàng để tặng anh Sơn bởi giữa chúng tôi là một tình cảm đặc biệt, không thể là hoa hồng đỏ của tình yêu, hay bất cứ một màu hoa mang ý nghĩa nào khác".
Đây là lần đầu tiên bà tới thăm mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Lần cuối hai người gặp nhau là ở Việt Nam vào năm 2000 khi ông Trịnh Công Sơn còn sống. Kể từ đó Khánh Ly không quay trở lại Việt Nam cho dù nhiều lần có tin đồn bà sẽ biểu diễn ở trong nước.

Một đêm duy nhất

Theo dự tính, danh ca Khánh Ly sẽ biểu diễn một đêm duy nhất ở Hà Nội ngày 9/5 tới, bên cạnh các ca sỹ nổi tiếng khác là Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Thành và Hà Anh Tuấn.
Chương trình do Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao và Công ty Viet Vision tổ chức vào lúc 19:30 tối tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, với giá vé được biết là từ 900.000 VND tới 3.500.000 VND.
Được biết đêm biểu diễn sẽ gồm nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi Khánh Ly, nhất là các sáng tác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Từ sau khi ra định cư tại hải ngoại, ca sỹ nổi tiếng sinh năm 1945 chưa về biểu diễn ở Việt Nam lần nào.
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai. Bà bắt đầu hát trên sân khấu năm 1959 và trở thành ca sỹ chuyên nghiệp năm 1962.
(theo BBC)